Thực trạng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Trên cây dó bầu và những vấn đề cần giải quyết

Thực trạng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Trên cây dó bầu và những vấn đề cần giải quyết

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
TRÊN CÂY DÓ BẦU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

Hoàng Văn Trưởng
Hội Thủ công mỹ nghệ Trầm hương Tiên Phước

1- Thực trạng về sản xuất hàng thủ công Mỹ nghệ                                                             
Tiên Phước, Quảng Nam nơi được coi là nguyên quán của cây Dó bầu, loại cây được cho là tạo trầm tốt nhất. Từ năm 1990 đã được người dân Tiên Phước áp dụng phương pháp cấy tạo trầm trên cây Dó bầu. Bằng phương pháp này, cây Dó bầu chỉ sau 10 năm tuổi có thể khai thác, chế biến cho ra sản phẩm Trầm hương. Có rất nhiều nông dân ở Tiên Phước đã áp dụng thành công phương pháp này khi họ khoan và đưa chất kích thích tạo trầm vào. Sau 1-2 năm đã thu được kết quả vô cùng mỹ mãn. Những mẫu trầm nhân tạo được tung ra thị trường mang nhãn hiệu Dó bầu Tiên Phước, liên tục mấy năm liền đã khiến cơn sốt cây Dó lan ra các vùng miền khác ở Quảng Nam và đến tận các tỉnh bạn xa xôi. Những cây Dó trong vườn từ lâu được xem như là cây ít giá trị bỗng trở thành cây có giá trị rất cao và được săn lùng khắp nơi.

Vậy là từ những năm 1990, người dân Tiên Phước đã biết nhân giống, biết trồng cây, đi khoan cây ghép trầm, thu mua trầm về chế biến nhựa trầm và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây trầm. Đến hôm nay, nghề này đã thu hút được nhiều hộ tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Trầm hương. Mẫu mã của loại hàng đặc biệt này ngày càng đa dạng hơn. Đây là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn mở rộng thị trường ra tiêu thụ ở nước ngoài như Nhật bản, Trung Quốc, Đài Loan…Những người nông dân Tiên Phước cần mẫn như con ong, con kiến luôn tìm tòi sáng tạo mọi cách để cho sản phẩm Trầm hương tạo ra luôn đa dạng, phong phú và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Lúc đầu thì tạo ra những sản phẩm Trầm miếng, Trầm tốc. Sau này thấy thị trường dư thừa sản phẩm này thì lại tạo ra các loại trầm tận thu từ gốc rễ, tạo ra các loại Trầm cục, Trầm cây, Trầm rễ chuyên phục vụ cho việc ghép cảnh, tạo dáng cho trầm cảnh.

Trong những năm qua trên địa bàn huyện Tiên Phước, nghề sản xuất Trầm hương, Trầm cảnh, Trầm nghệ thuật phát triển mạnh. Nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại đã thu hút và nhân rộng được người đầu tư vào phát triển nghề này. Số cơ sở sản xuất Trầm hương trên địa bàn huyện Tiên Phước có trên 200 doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất Trầm hương, Trầm cảnh phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện, giải quyết cho gần 1000 lao động tại địa phương, có thêm việc làm tăng thu nhập cho người dân.

Mặc dù vậy việc sản xuất sản phẩm Trầm hương vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Về trình độ công nghệ và quy mô sản xuất, các cơ sở trầm hương phần lớn doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn ở quy mô nhỏ, đơn lẻ, tự phát, phân tán theo kiểu hộ gia đình là chính. Trên 70% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Hầu hết các sản phẩm làm ra đều theo phương pháp thủ công, sản phẩm làm ra còn thô sơ. Do sức hấp dẫn về cây Dó dẫn đến bùng phát ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất nên nguồn nguyên liệu dầu vào không đáp ứng đủ. Các doanh nghiệp, các cở sở sản xuất phải vào tận các tỉnh miền Nam như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh hay ra các tỉnh ngoài Bắc như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An để thu mua nguyên liệu về phục vụ cho công việc sản xuất của mình. Vì vậy mà chi phí đầu vào bị đẩy lên cao, nguồn nguyên liệu không chủ động, thiếu tính ổn định.

Trình độ quản lý, tay nghề lao động chưa cao, trình độ chuyên môn, kỹ thuật và năng lực quản lý của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất còn hạn chế. Khả năng tiếp cận thị trường còn yếu kém. Các cơ sở sản xuất thường ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp mà thường phải thông qua nhiều khâu trung gian nên không thể thu nhập cao. Việc tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến thiết bị còn nhiều khó khăn.

Hội Thủ công mỹ nghệ Trầm hương vừa mới thành lập nên mức hỗ trợ chưa cao. Lao động theo thời vụ, thiếu tính ổn định, lao động có tay nghề cao, kỹ năng tốt còn ít làm cho năng suất thấp, sản phẩm thiếu đa dạng về mẫu mã, và việc chế tác Trầm cảnh chưa cao hạn chế sức cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

II Những vấn đề cần giải quyết
1. Giải pháp để phát triển hội
Hội Trầm hương Tiên Phước vừa mới được thành lập nên việc điều hành các hoạt động còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy Hội Trầm hương Tiên Phước cần sự hỗ trợ hơn nữa của các tổ chức nhà nước ,đặc biệt là hội trầm hương Việt nam   để Hội ngày càng phát triển hơn
Hội Trầm hương Tiên Phước phải tăng cường các mối quan hệ đối tác với các tổ chức trong nước cũng như nước ngoài, sự hỗ trợ của cơ cơ quan Nhà nước để thành lập các văn phòng đại diện, showroom trưng bày sản phẩm, các địa chỉ giao dịch, website… Công tác đào tạo nghề, thiết kế sản phẩm mới, các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ các hội viên giải quyết cho đầu ra của sản phẩm.

2. Giải pháp về phát triển nguồn nguyên liệu:
Cần phát triển nguồn lực tại chỗ, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phát triển các mô hình ươm trồng cây Dó trên địa bàn huyện để đảm bảo cung ứng. Việc trồng cây phải có kế hoạch để đáp ứng nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt.

3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
Cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn. Các khóa đào tạo nên tổ chức tại các cơ sở sản xuất Trầm hương để người lao động được đào tạo kỹ năng một cách thực tế.
Ủy ban nhân dân huyện cần tổ chức các chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm một số mô hình điển hình để tìm hiểu thực tế hoặc tổ chức các cuộc thi sản phẩm để nâng cao sáng tạo trong thiết kế mẫu mã cho Trầm cảnh, Trầm nghệ thuật.

4. Giải pháp về phát triển thị trường:
 * Về thị trường trong nước: Tăng cường mối liên doanh, liên kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp lớn, các tỉnh lân cận. Thông qua các tổ chức này, các cơ sở sản xuất, các cá nhân kinh doanh và …có thể trao đổi và cung cấp thông tin về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, giá cả, thị hiếu tiêu dùng… Tạo ra môi trường hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất
 * Về thị trường xuất khẩu: Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường nước ngoài, tham quan, khảo sát thị trường, tìm hiểu học tập kinh nghiệm như thủ pháp kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh của các nước.Tổ chức liên kết trong sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng theo hợp đồng. Công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nên được thực hiện một cách tích cực hơn. Các doanh nghiệp nếu có điều kiện thì nên thành lập showroom, website, xây dựng thương hiệu sản phẩm và cần tham gia nhiều hơn nữa vào sàn giao dịch thương mại điện tử, các hội chợ hoặc triển lãm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

5. Giải pháp về vấn đề đầu tư:
Nguồn vốn có thể huy động từ các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế. Hiện nay có các tổ chức như: cơ quan Hợp tác Nhật (      ), tổ chức lao động quốc tế (ILO) đang rất được quan tâm
Nguồn vốn để phát triển sản xuất có thể được huy động từ nguồn vốn khác nhau như từ hệ thống ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách, từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

6. Giải pháp về nâng cao tính cạnh tranh:
Xây dựng thương hiệu sản phẩm Trầm hương đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường quốc tế.
Thiết lập được mạng lưới khách hàng đáng tin cậy trên cơ sở đối tác kinh doanh lâu dài. Đây là những khách hàng có thể đảm bảo tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững và lâu dài
Mẫu mã sản phẩm cần được cải thiện, để các sản phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu của khách hàng
Trên đây là thực trạng của ngành sản xuất Thủ công mỹ nghệ Trầm hương Tiên Phước và giải pháp để phát triển ngành nghề này.